Với các bệnh nhân thận nhân tạo, chỉ cần bỏ 1 lần chạy thận là sẽ dẫn đến tình trạng phù phổi, ngưng tim và có thể đột tử.
Vào những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất tại TPHCM, để đảm bảo an toàn và tránh lây nhiễm chéo trong các bệnh viện, rất nhiều bệnh nhân không thể tìm được nơi chạy thận định kỳ. Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của rất nhiều bệnh nhân thận nhân tạo, đặc biệt là khi họ là F0, F1, người có nguy cơ cao… thì những lo lắng đó càng tăng thêm gấp bội.
Trong cuộc chiến chống Covid-19 tại TPHCM vừa qua, khốc liệt có, đau thương có và mất mát cũng không ít nhưng cũng chính trong cuộc chiến này nhiều cách làm hay, sáng tạo, dám nghĩ dám làm đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân giữa lằn ranh sinh tử.
Đó là sáng kiến về triển khai mô hình chạy thận nhân tạo tại các Trung tâm cách ly trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TPHCM
Đứng trước sứ mệnh phải giành giật sự sống cho bệnh nhân, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai mô hình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn là F0, F1... những người đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa.
Như một chiếc phao cứu sinh, sau rất nhiều bệnh viện khác từ chối, anh Tăng Quốc Hải ở Bình Chánh TPHCM - một bệnh nhân chạy thận không giấu được lòng mình khi các nhân viên y tế ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh thực hiện chạy thận cho anh. Mỗi lần được xe đón đến nơi để chạy thận là mỗi lần anh không biết phải cảm ơn như thế nào cho đủ.
Với quyết tâm chống dịch như chống giặc, quá trình triển khai thực hiện để thành lập trung tâm chạy thận trong khu cách ly được thực hiện rất nhanh chóng khẩn trương tất cả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ. Đến cả việc tận dụng xe cứu thương 0 đồng đến đón bệnh nhân chạy thận cũng được bệnh viện chuẩn bị chu đáo.
Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế túc trực và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ. Mỗi ca chạy thận khoảng 3-4 giờ. Sau mỗi ca, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, hệ thống chạy thận. Có những ngày trung tâm phải chạy hết công suất, ca 4 ca 5...
Có những bệnh nhân sau khi chạy thận về đến nhà là 2, 3 giờ sáng, đó cũng là giờ các bác sĩ ở trung tâm tiến hành khử khuẩn vệ sinh, chuẩn bị cho ca chạy tiếp theo vào mờ sáng. Không những vậy các nhân viên y tế ở đây còn động viên, an ủi các bệnh nhân chạy thận ở trung tâm mình vì hơn ai hết họ thấu hiểu bệnh nhân của mình mong manh đến thế nào.
Không những thực hiện chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân ở TPHCM và các tình lân cận như Long An mà Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn hỗ trợ triển khai thành công đơn vị chạy thận cách ly trong khu cách ly Trung tâm Y tế Long Điền là khu cách ly của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ cán bộ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, các bệnh nhân chạy thận không phải chuyển lên tuyến trên và quan trọng đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch tốt nhất.
Với những hiệu quả đạt được, việc triển khai chạy thận nhân tạo đã được công nhận sáng kiến cấp bộ y tế vào cuối năm qua. Tuy nhiên điều quan trọng hơn hết, điều các nhân viên y tế ở khoa thận nhận tạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TPHCM tự hào nhất là nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, bớt đi những lo lắng hoảng loạn trong đại dịch Covid-19 vừa qua, được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế nhanh nhất và sớm nhất.