Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhằm tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tổ chức thực hiện và động viên quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và theo phương châm “tất cả hướng đến quần chúng nhân dân, phục vụ quần chúng nhân dân”.
Xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25 - NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu của công tác dân vận: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhưng muốn cho quần chúng hiểu rõ phải làm gì, thì cần phải tiến hành một công tác lâu dài và kiên nhẫn.
Lênin viết:
- Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được.
- Muốn phục vụ quần chúng và đại biểu cho lợi ích được nhận thức một cách đúng đắn của họ, thì đội tiền phong, tức là tổ chức, phải: Tiến hành toàn bộ hoạt động của mình trong quần chúng. Vừa thu hút ở trong quần chúng tất cả mọi lực lượng ưu tú nhất, không trừ một lực lượng nào, vừa kiểm tra trên mỗi bước đi, một cách cẩn thận và khách quan, xem xét mối liên hệ với quần chúng có được giữ vững không, mối liên hệ đó có mật thiết không.
Tư tưởng chỉ đạo công tác quần chúng của Hồ Chí Minh
- Cách mạng là công việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người.
- Tất cả vì lợi ích của quần chúng.
- Đoàn kết các lực lượng.
- Dân chủ.
- Coi trọng phương thức và tác phong công tác quần chúng.
- Tất cả cán bộ, Đảng viên và hội viên đều phải làm công tác quần chúng.
Tóm lại, tư tưởng về quần chúng và chỉ đạo công tác quần chúng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn giữ nguyên giá trị đối với chúng ta ngày nay.
Vậy, cấp ủy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các trường cần phải làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình hiện nay?
Trường THPT Thủ Thiêm tọa lạc trên mảnh đất rộng hơn 1 hecta thuộc xã An Khánh, huyện Thủ đức (cũ), nay là 5B Lương Định Của, phường Bình an, quận 2. Trường được thành lập ngày 20/05/1976, lần lượt mang tên: PTTH Thủ Thiêm, PT cấp 2, 3 Thủ Thiêm (vào năm 1993) và từ năm 2003 trường mang tên THPT Thủ Thiêm, đến nay trường thành lập được 43 năm.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và Sở Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 11/01/2011 trường THPT Thủ Thiêm được chuyển sang ngôi trường mới tại số 01 Vũ Tông Phan, Phường An Phú, TP.Thủ Đức. Trường có diện tích 24.300 m2, tiếp giáp với bốn mặt đường, có 36 phòng học, có đầy đủ các phòng chức năng riêng biệt đảm bảo chỗ học cho 1600 học sinh. Bên cạnh đó, trường được đầu tư thêm khu tập thể dục thể thao gồm nhà thi đấu đa năng, hồ bơi, sân bóng đá và sân tập thể dục riêng biệt đảm bảo việc phát triển thể chất cho học sinh và giáo viên.
Chi bộ trường THPT Thủ Thiêm hiện có 25 đồng chí, trong đó có 24 đảng viên chính thức và 1 đảng viên dự bị.
Kết quả thi đua hàng năm:
- Chi bộ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018, Hoàn thành tốt nhiệm vụ: năm 2019, năm 2020.
- Chính quyền: Tập thể lao động xuất sắc (năm học 2017-2018 và năm học 2019-2020).
Kết quả trên chưa phải là cao so với nhiều trường trong Cụm chuyên môn 8, tuy nhiên với một nhà trường còn nhiều khó khăn về đội ngũ (đoàn kết nội bộ, trình độ chuyên môn, trách nhiệm công tác,...), đó cũng là những kết quả đáng khích lệ của thầy và trò. Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ quản lý, các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là tập thể thầy cô giáo và học sinh của nhà trường. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu, cán bộ quản lý và tập thể nhà trường cần phải cố gắng tìm giải pháp tốt hơn nữa để đưa nhà trường phát triển hơn đáp ứng được nhu cầu của xã hội và của địa phương trong giai đoạn mới.
Từ những khó khăn nêu trên, qua thực tiễn công tác ở trường học, chúng tôi nhận thấy, để thực hiện tốt công tác dân vận ở cơ sở để đội ngũ CB – GV – CNV hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần phải thực hiện như sau:
Chi bộ các trường học phải xác định công tác dân vận là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, đặt ngang hàng với nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ, chính quyền sẽ không mạnh, thậm chí sẽ mất vai trò lãnh đạo nếu chúng ta không thực hiện tốt công tác dân vận, không nắm được dân, để mất lòng dân dẫn đến dân sẽ xa Đảng, xa chính quyền, không bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, các thế lực thù địch sẽ có cơ hội lợi dụng, kích động nhân dân chống lại Đảng, chính quyền. Ngược lại, nếu Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị không trong sạch, vững mạnh thì sẽ giảm năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có công tác dân vận. Như vậy, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị và công tác dân vận có mối quan hệ gắn bó nhau, tác động lẫn nhau. Muốn xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của các trường trong sạch, vững mạnh và muốn thực hiện hiện tốt công tác dân vận thì ta cần phải tập trung:
Nhà trường tổ chức họp Cha mẹ học sinh 4 lần/năm học, để báo cáo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Qua đó cũng trao đổi các kế hoạch, chương trình giảng dạy trong nhà trường, cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của Cha mẹ học sinh.
Nhà trường tổ chức vận động Cha Mẹ học sinh toàn trường tham gia đóng góp trang bị tivi, máy vi tính, hệ thống âm thanh cho các lớp. Kết quả có 10/33 lớp được trang bị đầy đủ tivi, máy tính, hệ thống âm thanh phục vụ cho công tác Dạy – Học.
Nhà trường tổ chức vận động Cha Mẹ học sinh tham gia đóng góp xây dựng cảnh quang môi trường.
Ban giám hiệu phân công lịch trực hàng tuần để tiếp Cha mẹ học sinh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như các phản ánh của Cha mẹ học sinh để kịp thời khắc phục, xây dựng, uốn nắn xây dựng trường, lớp, đội ngũ sư phạm ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Tổ chức chương trình “Nghe học sinh nói – Nói học sinh nghe” 2 lần/năm, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh tạo môi trường học tập thân thiện, an toàn.
Hàng tuần, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, tổ chức chương trình kể chuyện “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm giáo dục học sinh ý thức hơn trong học tập, rèn luyện đạo đức, kính trọng Thầy, Cô, yêu thương Cha mẹ.
III. ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Để làm tốt công tác vận động quần chúng, nhất là công tác vận động quần chúng trong trường học Chi bộ cần:
- Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm công tác dân vận cho cấp ủy, đội ngũ cán bộ nòng cốt, giáo viên trong nhà trường.
Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, đội ngũ cán bộ nòng cốt, giáo viên về nội dung, phương thức công tác dân vận của chính quyền. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền trong thời kỳ mới. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức.
Hằng năm, chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác dân vận cho cấp ủy, CB-GV-CNV. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân vận chính quyền bằng nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả, thiết thực.
- Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung công tác dân vận của trường theo hướng chủ động, tích cực, kịp thời trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy đảng vào thực tiễn.
Vận động và nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của CB-GV-CNV, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong chủ trương, chính sách để đề xuất khắc phục những thiếu sót và kiến nghị bổ sung, hoàn thiện kịp thời… Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn thể HĐSP nhà trường. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền.
- Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ; sự phối hợp của các đoàn thể với chính quyền trong công tác dân vận.
- Bốn là, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo (nếu có).
Tập trung vào các nội dung, như: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xây dựng đội ngũ CB-GV-CNV làm công tác tiếp dân ở trường có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa. Tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo thấu tình, đạt lý và đúng pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính để loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho mọi người.
- Năm là, thực hiện các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan như panô, áp phích, băng rôn, bản tin, … trong cơ quan, đơn vị đảm bảo trang trọng và ý nghĩa ngày kỷ niệm trong năm.
- Sáu là, làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CB – GV – CNV nhằm tạo môi trường làm tốt, đội ngũ Hội đồng sư phạm an tâm trong công tác.
- Bảy là, phát huy tính xung kích, làm gương của đảng viên, đoàn viên, lực lượng nòng cốt trong nhà trường để làm tấm gương khuyến khích quần chúng tích cực trong các hoạt động chung của nhà trường, xây dựng trường lớp khang trang, sạch đẹp ngày càng đi lên.
- Tám là, định kỳ, hằng năm cấp ủy tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động công tác dân vận của chính quyền; thường xuyên giám sát các nội dung và hình thức triển khai để kịp thời phát hiện, uốn nắn, nhắc nhở kịp thời. Đặc biệt phải tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ công vụ của CB-GV-NV. Xác định công tác dân vận là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp loại thi đua hàng năm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Càng học và hiểu thêm tư tưởng của Bác về dân vận bao nhiêu chúng ta càng phải đề cao và làm tốt công tác dân vận của tổ chức Đảng ở cơ sở. Vì mọi việc dân vận đều diễn ra ở cơ sở và do cấp ủy Đảng là người chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo.
CHI BỘ TRƯỜNG THPT THỦ THIÊM