Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

gfhfghjgjhk
Nhiệt liệt chào mừng Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024)

Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác dân vận

Tám mươi năm tuổi đời, nhiều năm đảm nhiệm cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại tư tưởng chỉ đạo và những định hướng hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, những quan điểm về công tác dân vận trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa, phát huy và tiếp tục hoàn thiện đã trở thành nền tảng vững chắc để Đảng, Nhà nước ta hoạch định chính sách dân vận trong tình hình mới.


Nhằm đáp ứng công tác dân vận trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân hiện nay là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân...

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và công tác dân vận của Đảng.

Ngày 27/5/2016, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo hết sức sâu sắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử đất nước ta.

Đồng chí khẳng định: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta và dành nhiều tâm sức cho nhiệm vụ quan trọng này…

Tổng kết sau thời kỳ đổi mới, Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.


...thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân...

Nhằm đáp ứng công tác dân vận trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở 3 vấn đề, đó là “Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân hiện nay là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục. Do đó, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa quan trọng của vấn đề chăm lo đời sống nhân dân, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề này, có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống nhân dân, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khỏe, việc học hành... của nhân dân. Thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, lối sống có văn hóa, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, an toàn xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, các cấp ủy Đảng, các cơ quan Nhà nước cần động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Xóa bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng.

Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp ủy Đảng cần lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi quyết định.

"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, các cơ quan chính quyền có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng.

Các đoàn thể nhân dân, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đi sâu giáo dục, bồi dưỡng, động viên đoàn viên, hội viên phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội với đầy đủ ý thức trách nhiệm của người làm chủ.


...Bên cạnh đó, cần củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đặc biệt quan tâm đến việc kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong cho rằng: Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.

Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, hư hỏng, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu.

Bởi vậy, để làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy Đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hóa, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước. Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường được mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Như thế công tác dân vận mới có kết quả, mới thắng lợi.

Tám mươi năm trên cõi nhân sinh, gần sáu mươi năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Trong công tác dân vận, những tư tưởng chỉ đạo và những định hướng hết sức quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và sẽ luôn là kim chỉ nam để các thế hệ sau kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã dày công vun đắp, cũng như thực hiện thành công những mong muốn, khát vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Thiệu Vũ

Ảnh: Tư liệu từ TTXVN