NHỮNG KÝ ỨC KHÓ QUÊN
Nếu chỉ tính từ năm 2000 đến nay thì tôi đã gắn liền với vùng đất và con người thuộc khu vực khu phố 4, phường Phước Long B này được tròn 22 năm. Trong khoảng thời gian khá dài này, bao khó khăn chồng chất, nhiều khoảnh khắc ý nghĩa và không ít những kỷ niệm khó quên đã theo suốt cùng tôi trong quá trình tham gia tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xây dựng khu phố phát triển như ngày hôm nay, trong đó, một việc làm rất quan trọng là vận động người dân hiến đất mở rộng đường (hẽm).
Theo thống kê của năm 2000, khu phố 4 có diện tích 64,4ha với 12 tổ dân phố gồm 785 hộ và 4.286 khẩu, trong đó, diện KT1 gồm 349 hộ với 1.612 khẩu; KT2 có 76 hộ với 2.050 khẩu và KT3 có 259 khẩu. Đến nay, khu phố có 3.560 hộ với 13.009 khẩu, trong đó, hộ khẩu thường trú gồm 1.699 hộ với 6.505 khẩu, còn lại là tạm trú có thời hạn và không có thời hạn.
Còn nhớ, những năm 2000 trở về sau đó, tuyến đường chính Đỗ Xuân Hợp còn chưa được mở rộng thì các tuyến đường phụ như 297, 339, 22 ... còn nhỏ hẹp, thấp, trơn trợt rất khó đi. Tất cả các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường, tuyến hẽm, từ xe 4 bánh, xe 3 và 2 bánh đến người đi bộ đều tràn xuống hết lòng đường, gây nên cảnh tượng người và các phương tiện chen chúc nhau trên đường rất mệt mỏi. Nhất là trong các con hẽm sâu, ngoằn ngoèo, các cống thoát nước nhỏ, không đồng bộ, rác thải ùn ứ nhiều chỗ do ý thức người dân kém .... đã làm cản trở dòng chảy của nước mỗi khi mùa mưa đến là nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng nước mưa tràn vào nhà, ngập đến nửa đầu gối. Nhìn các em nhỏ bì bõm lội nước, vai đeo cặp, tay dắt xe đạp, áo quần đi học ướt lướt mướt như lội đồng về thấy xót cả lòng...
Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, liên tiếp trong nhiều năm, cán bộ cấp ủy cùng với MTTQ và các đoàn thể khu phố 4 đã tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn hiến đất mở rộng các tuyến: đường 339, đường 185 có chiều dài 1.481mét; đường 297 dài 781 mét, đường 22 dài 905 mét, đường 109 dài 507 mét, tổng chiều dài là 3.774 mét, rộng 4 mét. Đường được mở rộng phải đi đôi với việc mở rộng hẽm để giảm tải lưu lượng người và các phương tiện lưu thông trên đường, nhất là vào các giờ cao điểm tan ca, tan trường, tan giờ làm việc trong ngày, do vậy, lực lượng tuyên truyền của khu phố tiếp tục đến vận động nhân dân hiến đất không lấy tiền hỗ trợ. Ngay sau đó, các con hẽm như: hẽm 35 (đường 339), hẽm 30, hẽm 66, hẽm 32 (đường 22), hẽm 200/7 (đường Dương Đình Hội) v.v... và nhiều con hẽm người dân đã hiến đất mở rộng hẽm từ 2 mét lên 4,5 mét, ước tính tổng diện tích khoảng 2.450 mét vuông. Tính đến nay, khu phố đã vận động làm được 78/78 tuyến hẽm lớn, nhỏ và hoàn tất việc bê tông hóa 100% diện tích các con hẽm với tổng kinh phí người dân đóng góp khoảng 20 tỷ đồng.
Nói đến việc tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở rộng đường, hẽm, có thể nói, ai ai cũng hiểu được chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp này của Đảng và Nhà nước ta: ngân sách nước ta còn nghèo, người dân còn khó khăn nhưng việc cần phải mở rộng và bê tông hóa các tuyến đường, hẽm cũng chính là để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương một cách tốt nhất cho người dân thôi. Song, trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” như hiện nay, việc hiến đất để làm các công trình công cộng là chấp nhận cho không một khoảng tiền không hề nhỏ. Với những hộ khá giả hay có thu nhập ổn định, việc cho đi vài chục triệu đồng thì có lẽ không đáng lo ngại gì, nhưng với những hộ thu nhập thấp, không ổn định, gia cảnh còn khó khăn thì vài triệu cũng rất quý huống chi hiến vài mét đất trị giá mấy chục triệu đồng. Đây chính là những khó khăn nan giải mà những cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động thường gặp phải.
Để thuyết phục những hộ không hợp tác trong việc hiến đất làm đường, cán bộ khu phố rất vất vả: thăm dò và tới lui thường xuyên nhà đối tượng, người ta không muốn tiếp mình nhưng vẫn phải tìm cách để được gặp mặt, tìm ra nhiều giải pháp để thương lượng sao cho vừa giúp người dân hiến được đất vừa giải quyết được khó khăn cho gia đình hay không phải chịu quá thiệt thòi ... Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” kết hợp với việc nhờ những lão làng có uy tín trong khu phố cùng đến nhà dân để tuyên truyền, vận động, cuối cùng thì tất cả các hộ khó vận động sau cùng cũng vui vẻ nhận lời.
Tôi vẫn còn nhớ như in, năm 2014, khi đang trên đà được đông đảo người dân trên địa bàn ủng hộ việc hiến đất mở rộng được 12 tuyến hẽm, tôi đã mạnh dạn tổ chức họp nhân dân hẽm 109 (nay là đường 189) vận động họ hiến đất để Nhà nước làm cống thoát nước và nhựa hóa. Lúc này, hầu hết các hộ đều đồng tình ủng hộ, nhưng trong hẽm còn vướng 1 hộ có khoảng 3 mét đất đã xây tường rào kiên cố nên họ nhất quyết không ủng hộ hiến đất. Họp dân lần 1 không thành, Đảng ủy khu phố , trong đó, vai trò trọng tâm là đồng chí Bí thư đã quyết tâm tổ chức họp dân lần 2, rồi lần 3, tìm ra giải pháp vận động một số nhà hảo tâm hỗ trợ một phần kinh phí để hộ hiến đất làm lại hàng rào... Thêm một trường hợp khác, trong quá trình giải phóng mặt bằng hẽm, có 1 hộ vì kẹt tiền nên đã bán 78 mét vuông đất trên 150 mét vuông đã đăng ký hiến, hộ mới mua đất không chịu hiến với lý do sẽ không còn đất để xây nhà. Với sự chỉ đạo của Đảng ủy phường là phường xin mua lại diện tích đất này để làm đường, đảng ủy khu phố đã vận động một số mạnh thường quân trên địa bàn và chủ đất cũ hỗ trợ gần 130 triệu đồng để hộ tìm đất khác xây nhà , nhất là, bản thân đồng chí Bí thư khu phố vừa phải nhiều lần đi vận động vừa phải đóng góp tiền vào việc hỗ trợ này - Đây là thành công lớn của khu phố cũng là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 9 của phường Phước Long B năm 2015.
Một con hẽm ghi nhiều dấu ấn trong tôi bởi sự vất vả không những trong khâu tuyên truyền, vận động mà còn là sự phiền toái kéo dài trong suốt thời gian thi công làm cống thoát nước. Đó là hẽm 141/30 đường 339, hẽm này nền rất thấp nên khi mưa là ngập úng suốt mùa. Sau 3 lần họp dân, đa số hộ dân đều ủng hộ việc hiến đất và đóng góp kinh phí làm cống thoát nước, ngoại trừ một vài hộ ngụ đầu hẽm nhà họ không bị ngập vào mùa mưa nên không chịu hợp tác. Sau kỳ họp dân lần thứ 4, khi 100% hộ đã đồng ý thì lại có 5 hộ không có tiền đóng góp. Khu phố thương lượng sẽ cho mượn tiền quỹ của khu phố để nộp cho nhà thầu trước, vậy nhưng có 2 hộ vẫn không đồng ý. Mùa mưa đã đến gần, để đảm bảo tiến độ, đồng chí Bí thư khu phố phải chịu trách nhiệm với nhà thầu nên đã bỏ tiền túi ra đóng góp đến nay vẫn không thu lại được.
Nhìn lại 22 năm với cương vị Bí thư khu phố 4 là cả một quảng đường dài với những tháng, ngày vui, buồn, vất vả lẫn lo toan. Nhưng, hơn hết, nhìn những tuyến đường nhựa, bê tông cao rộng từ 2m lên 5-6m, hay 10-12m mượt êm cùng với những vỉa hè được lát gạch đẹp mắt, nhất là người xe lưu thông được thông thoáng, sinh hoạt đời thường của từng hộ dân được thuận lợi hơn, cảnh quan khu phố đẹp mắt .... thì bao khó nhọc ngày nào đã tan biến hết trong tôi. Tôi thấy rất ấm lòng. Lại ngẫm ra được một niềm vui vĩnh cữu cho người cán bộ, đảng viên ở cơ sở như tôi: nếu cứ hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quôc, phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm thì nhất định sẽ làm được những gì mà mình muốn thực hiện cho dân./.
Nguyễn Văn Vinh
(Bí thư Đảng bộ bộ phận khu phố 4, Đảng bộ phường Phước Long B)